Conic Boulevard

Vì sao ngành công nghiệp được Trung Quốc đầu tư hơn 150 tỷ USD đang tìm cách “né tránh” ông Trump?

Sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, các công ty trong ngành công nghiệp này của Trung Quốc đang tăng cường mua thiết bị sản xuất từ nước ngoài.

Đây là công nghiệp bán dẫn , một ngành đang được cả thế giới quan tâm và có vai trò cũng như sức ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế trong tương lai gần.

Theo SCMP , ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho quá trình 4 năm đầy thách thức dưới thời ông Donald Trump, người sẽ trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Theo đó, các công ty bán dẫn của đất nước tỷ dân hiện đang cấp tốc tiến hành mua các thiết bị sản xuất chip từ nước ngoài , đồng thời nỗ lực tìm kiếm cơ hội tuyển dụng nhân tài để thành lập một liên minh mới.

Theo đánh giá từ hơn 30 bài báo và nghiên cứu từ các công ty, hiệp hội, các nhà phân tích trong lĩnh vực bán dẫn tại Trung Quốc, các chuyên gia nhận định rằng một trong các chiến lược đang được chính phủ nước này xem xét là theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với những quốc gia cũng như công ty bất đồng với các chính sách dưới thời ông Donald Trump, đồng thời tăng cường khả năng tự cung tự cấp về chip bán dẫn.

Việc các công ty bán dẫn Trung Quốc lo ngại là có cơ sở. Bởi lẽ, trước đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Donald Trump đã nhắm vào những tập đoàn viễn thông lớn của Trung Quốc, chẳng hạn như Huawei Technologies, ZTE và nhà sản xuất chip SMIC. Theo đó, ông Trump đã đưa các doanh nghiệp này của Trung Quốc vào danh sách đen, đồng thời hạn chế quyền tiếp cận vào công nghệ quan trọng của Mỹ.

Trong khi đó, ngược lại, chính quyền dưới thời của Tổng thống Joe Biden lại có cách tiếp cận khác khi chủ yếu dựa vào những biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Những chính sách này đã ngăn Trung Quốc tiếp cận vào công nghệ chip tiên tiến nhất do các công ty Mỹ sở hữu.

Vì sao ngành công nghiệp được Trung Quốc đầu tư hơn 150 tỷ USD đang tìm cách “né tránh” ông Trump?- Ảnh 1.

Các công ty bán dẫn của Trung Quốc hiện đang cấp tốc tiến hành mua các thiết bị sản xuất chip từ nước ngoài. Ảnh: CNBC

Gần đây, trong ngày 7/11, ông Zhu Jing, phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Bắc Kinh, đã kêu gọi các công ty chip của Trung Quốc tăng cường hoạt động kinh doanh tại nước ngoài cũng như mở rộng sang nhiều quốc gia hơn. Ông Zhu Jing cho biết rằng, các doanh nghiệp ở Trung Quốc sẽ có cơ hội mua một số loại chip nhập khẩu nếu như sự phối hợp toàn cầu giữa Mỹ, Nhật Bản và châu Âu yếu đi dưới thời ông Donald Trump.

Bên cạnh đó, ông Jing còn cho biết trong một bài viết trên WeChat rằng các công ty nên tăng cường việc thu hút nhân tài ở nước ngoài nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump duy trì lập trường cứng rắn như nhiệm kỳ đầu tiên. Trong đó, có các chính sách đã gây khó khăn cho sinh viên cũng như chuyên gia Trung Quốc khi họ muốn làm việc tại Mỹ.

" Sau khi ông Trump nhậm chức, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có thể tận dụng được một số lợi ích để phát triển nhân sự chuyên nghiệp và tăng cường hợp tác với các công ty đa quốc gia. Tôi khuyến nghị chúng ta nên thích ứng với tình hình mới cũng như đưa ra những thay đổi kịp thời ", ông Jing cho biết.

Theo dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2024, quốc gia này đã chi 24,12 tỷ USD để nhập khẩu thiết bị bán dẫn. Trong đó, Trung Quốc đã chi 7,9 tỷ USD để nhập khẩu máy in thạch bản, tăng 35,44% so với cùng kỳ năm trước. Đây là loại máy cần thiết để sản xuất ra những con chip tiên tiến nhất. Đáng chú ý là phần lớn các cỗ máy này đều được nhập khẩu từ Hà Lan.

Trung Quốc đã đầu tư hơn 150 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn

Vì sao ngành công nghiệp được Trung Quốc đầu tư hơn 150 tỷ USD đang tìm cách “né tránh” ông Trump?- Ảnh 2.

Trung Quốc đầu tư nhiều tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn trong những năm gần đây.

Vào ngày 24/5/2024, Quỹ Đầu tư Công nghiệp Mạch Tích hợp Quốc gia Trung Quốc và huy động được thành lập và đã huy động được 47,5 tỷ USD, từ chính quyền Trung ương, các ngân hàng, doanh nghiệp quốc doanh… Trung Quốc muốn đạt được khả năng tự cung tự cấp bán dẫn, trong bối cảnh Mỹ tìm cách hạn chế sự tăng trưởng của quốc gia này.

Cổ đông lớn nhất của quỹ này là Bộ Tài chính Trung Quốc. Ngoài ra, những công ty đầu tư thuộc sở hữu của chính quyền địa phương tại Thâm Quyến, Bắc Kinh cũng góp vốn vào quỹ.

Như vậy, Trung Quốc đã đầu tư hơn 150 tỷ USD vào ngành công nghiệp chip, trong đó bao gồm cả quỹ đầu tư trị giá hơn 47 tỷ USD được công bố vào tháng 5 năm nay, để hỗ trợ mở rộng các nhà máy bán dẫn.

Hiện nay, công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực tâm điểm trên thế giới. Bên cạnh Trung Quốc, Mỹ và các nước của Liên minh châu Âu cũng đã chi tới gần 81 tỷ USD vào việc sản xuất thế hệ chất bán dẫn tiếp theo, để tăng khả năng về tự chủ và cạnh tranh.

Bài tham khảo nguồn: SCMP, Reuters, CNN