Conic Boulevard

Chuyên gia Phạm Chi Lan chỉ ra 4 điểm yếu của các nhà sáng lập Việt: Nhiều startup cho rằng xuất khẩu được mới 'oai', trong khi thị trường nội còn khó hơn ngoại

Do độ mở quá lớn của thị trường, Việt Nam đang là một ‘đại dương đỏ’ ở rất nhiều ngành hàng. Với Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bây giờ, cạnh tranh trong nước còn khó hơn ở nước ngoài.
Chuyên gia Phạm Chi Lan chỉ ra 4 điểm yếu của các nhà sáng lập Việt: Nhiều startup cho rằng xuất khẩu được mới 'oai', trong khi thị trường nội còn khó hơn ngoại- Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đang thẩm định sản phẩm của một startup trong cuộc thi "Khởi nghiệp Xanh" 2024.

Là một người thường xuyên đồng hành cùng các startup Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan có hiểu biết sâu sắc về các Nhà sáng lập, nhất là các bạn trẻ đang có dự án ở giai đoạn sớm.

Theo quan sát của bà Lan, các Nhà sáng lập ở giai đoạn sớm thường có những vấn đề như sau:

- Xem trọng thị trường xuất khẩu hơn trong nước;

- Cho rằng sự chuyển động của chính trường thế giới không ảnh hưởng đến mình;

- Phiến diện khi vẽ bức tranh tài chính cho doanh nghiệp;

- Ít chịu liên kết với các startup và doanh nghiệp khác.

“ Nhiều startup cho rằng xuất khẩu được mới oai, nhưng hiện thị trường trong nước còn khó hơn nước ngoài với toàn ‘đại dương đỏ’.

Tính đến hiện tại, Việt Nam đang có 17 FTA đang hoặc sắp có hiệu lực và 2 cái đang trong quá trình đàm phán. Trên thế giới, hiếm có nền kinh tế nào lại mở như Việt Nam, khi xuất khẩu chiếm thành phần chủ đạo trong nền kinh tế. Vậy nên, tính cạnh tranh ở thị trường Việt Nam chẳng thua gì thị trường toàn cầu. Thậm chí, theo tìm hiểu của tôi, có khi thị trường trong nước còn khốc liệt hơn so với toàn cầu”, bà Phạm Chi Lan chia sẻ khi làm Giám khảo ở cuộc thi ‘Khởi nghiệp xanh” 2024.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tương đương 94% GDP, xếp thứ 14 toàn cầu.

Trong tổng xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa chiếm đa số với 82% GDP. Xuất khẩu dịch vụ, trong đó chủ yếu là dịch vụ du lịch và vận tải chiếm 12% GDP. Để so sánh 2 thành tố quan trọng khác của tăng trưởng kinh tế là bán lẻ hàng hóa dịch vụ (phản ánh sức cầu tiêu dùng của dân cư) và đầu tư toàn xã hội (bao gồm đầu tư tư nhân, đầu tư công, đầu tư FDI), chỉ chiếm lần lượt 61% và 33% GDP.

Theo Chuyên gia kinh tế này, chỉ khi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa mạnh, tức có thể chiếm được thị phần nổi trội và có thể sống khỏe ở sân nhà, thì nội lực của đất nước mới tăng lên. Tuy nhiên, hiện tại, không ít startup Việt không thích tập trung chiếm lĩnh thị trường nội địa mà thường sớm tìm đường xuất khẩu và xem trọng việc xuất khẩu hơn thị trường nội.

“ Vì nội lực doanh nghiệp Việt không có, nên kéo theo sức mua kém và tiêu dùng trong nước đang rất kém ”, bà cho hay.

Chuyên gia Phạm Chi Lan chỉ ra 4 điểm yếu của các nhà sáng lập Việt: Nhiều startup cho rằng xuất khẩu được mới 'oai', trong khi thị trường nội còn khó hơn ngoại- Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là Giám khảo nhiều kỳ của cuộc thi "Khởi nghiệp Xanh".

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt gần 3,099 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng chỉ còn 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%). Sức mua trong nước 6 tháng qua tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019. Nhiều doanh nghiệp không trụ nổi đã phải rời thị trường.

Tiếp theo, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam cũng như DN Việt vì Việt Nam đang xuất siêu sang thị trường này. Trong rất nhiều năm, Mỹ thường xuyên là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Một vấn đề nữa, về khả năng tân Tổng thống có thể rút Mỹ khỏi hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ tạo ra những rủi ro dữ dội ở khía cạnh môi trường trong tương lai; nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ ‘nới tay’ với hàng xuất khẩu. Chính phủ Mỹ sẽ phải lắng nghe nhu cầu của người tiêu dùng và đối thoại với họ, nên khi nhập khẩu vào Mỹ thì ‘sản phẩm xanh’ là bắt buộc.

Thứ ba, vì nhiều Nhà sáng lập không có chuyên môn về tài chính và không có nhiều hiểu biết về lĩnh vực này nên thường ‘vẽ’ bức tranh tài chính cho DN khá cảm tính.

Rất nhiều bảng Báo cáo tài chính trong cuộc thi “Khởi nghiệp xanh” chưa đầy đủ, hợp lý và thiếu khoa học. Vì không kê khai đúng và đủ, nên nhiều startup nghĩ là mình kinh doanh lời, song thực tế là lỗ. Một dự án kinh doanh hay cần phải bảo đảm được năng lực tài chính thì mới biết nó hiệu quả thế nào.

Cuối cùng, bà Lan đưa lời khuyên: Người ta hay bảo “không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Chúng ta không nên xem các DN cùng ngành là đối thủ cạnh tranh mà hãy xem là đối tác thân thiết, lúc cần có thể hợp tác nhân đôi sức mạnh và cộng hưởng vượt lên. Hợp tác không nhất thiết là với DN cùng ngành mà có thể với DN khác ngành. Với startup ít nguồn lực thì hợp tác là chiến lược vừa cần và vừa quý.