Hãy cùng điểm qua những vụ kiện bản quyền nổi tiếng để qua đó rút ra những bài học pháp lý quan trọng đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, những vụ án gần đây đã cho thấy rằng các nền tảng điện tử có thể phải chịu trách nhiệm trực tiếp về hành vi vi phạm nếu họ đóng vai trò tích cực trong việc bán hàng.
Vụ kiện giữa công ty Tiffany và nhà cung cấp dịch vụ mạng Ebay
Tiffany – một công ty chuyên bán nữ trang cao cấp – cáo buộc nhà cung cấp dịch vụ mạng Ebay đã vi phạm nhãn hiệu, quảng cáo sai, và buộc Ebay phải chịu trách nhiệm trong trường hợp hàng hóa được chào bán trực tuyến là hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany.
Tuy nhiên, trên thực tế, Ebay đã chứng minh rằng họ đã có những nỗ lực chống lại hàng giả (anticouterfeiting efforts) được chào bán trên mạng của mình. Theo đó, hàng năm Ebay đã bỏ ra khoảng 20 triệu đô la cho việc nâng cao độ tin cậy và an toàn trên trang web của mình.
Ebay áp dụng các chương trình để các chủ sở hữu nhãn hiệu có thể xác nhận hàng hóa được các đối tượng chào bán trên Ebay là hàng giả hay hàng thật. Bằng chương trình này, chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa có thể liệt kê danh mục hàng hóa có khả năng bị xâm phạm cao và nộp cho Ebay thông báo vi phạm nếu phát hiện thấy hàng hóa đang được chào bán trực tuyến là hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ của Tiffany. Khi nhận được phản hồi từ Tiffany, nhân viên của Ebay sẽ tiến hành dỡ bỏ hoặc hủy bỏ các giao dịch đang được chào bán nếu như thông báo đó là chính xác từ phía chủ sở hữu nhãn hiệu. Ebay đã thành lập bộ phận Tin cậy và An toàn (Trust and Safety Department) chuyên trách việc phát hiện ra hàng hóa chào bán bất hợp pháp, bao gồm cả hàng giả được chào bán bao gồm khoảng 4000 nhân viên, 200 trong số đó chuyên trách về hàng hóa xâm phạm SHTT; 70 trong số đó tập trung giải quyết về thực thi.
Đối với hàng hóa của Tiffany, Ebay có khoảng 90 từ khóa để lọc tìm bên cạnh việc lọc tìm thông thường bằng chương trình máy tính, để đảm bảo phân biệt hàng hóa của Tiffany và hàng xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany. Ngoài ra, Ebay còn cho phép chủ sở hữu quyền bao gồm cả Tiffany được mở một webpage trên giao diện của Ebay (About Me). Webpage này cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu thông báo đến người dùng của Ebay về sản phẩm của mình, về quyền SHTT đối với sản phẩm của mình cũng như tính hợp pháp của những sản phẩm đó. Và trên thực tế, Ebay không hề can thiệp vào nội dung của webpage này. Việc duy trì webpage About Me là hoàn toàn của Tiffany. Tiffany đã có những nội dung khuyến cáo người mua sản phẩm của Tiffany trên Ebay ở webpage này. Ebay đã bắt đầu sử dụng những cảnh báo dành cho những người muốn bán sản phẩm của Tiffany trên Ebay, và cảnh báo này cũng được gửi đến webpage của Tiffany.
Tranh chấp bản quyền trên nền tảng thương mại điện tử (Ảnh: Wiki)
Bằng các dẫn chứng trên, Ebay đã chứng minh cho tòa thấy là Ebay đã thực hiện tất cả các yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho hàng hóa được chào bán, lưu thông trên mạng trực tuyến của mình là hàng hóa hợp pháp. Trên cơ sở đó, tòa án đã bác bỏ các cáo buộc của Tiffany khi cho rằng Ebay đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với cáo buộc Ebay đã xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany theo quy định tại Điều 32 Đạo luật Lanham, theo đó, việc sử dụng một nhãn hiệu đã được đăng ký vào việc sản xuất, lưu thông, phân phối, quảng cáo… mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu và việc sử dụng đó có khả năng gây nhầm lẫn… phải chịu trách nhiệm đối với chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Cụ thể, Tiffany cho rằng việc sử dụng nhãn hiệu Tiffany trên trang web của Ebay để bán hàng giả là xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany bởi người tiêu dùng bị nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ của hàng được chào bán. Tuy nhiên cáo buộc này đã bị tòa án bác bỏ vì cho rằng không có mối liên hệ nào giữa Ebay và Tiffany do đó người tiêu dùng không bị nhầm lẫn trong trường hợp này. Việc Ebay sử dụng nhãn hiệu của Tiffany trên trang web của mình là hợp pháp.
Thứ hai, đối với cáo buộc Ebay góp phần vào việc xâm phạm nhãn hiệu của Tiffany. Điều này thể hiện bằng việc Ebay đã tạo điều kiện cho việc thực hiện hành vi vi phạm của những chủ thể cung cấp hàng giả. Tuy nhiên bằng việc chỉ ra rằng Tiffany đã nhanh chóng xem xét hàng khi hàng được đưa lên website, gởi những cảnh báo đến người bán, người mua, gởi hướng dẫn người mua không thực hiện giao dịch đối với những sản phẩm đang có tranh chấp… có nghĩa là Ebay không góp phần vào việc xâm phạm nhãn hiệu Tiffany như cáo buộc của Tiffany.
Thứ ba, đối với cáo buộc Ebay đã quảng cáo gian dối bởi lẽ hàng hóa của Tiffany được bán trên website của Ebay, mà trên thực tế rất nhiều sản phẩm của Tiffany là giả, do đó, Ebay phải chịu trách nhiệm về quảng cáo gian dối. Tuy nhiên, tòa án đã bác bỏ cáo buộc này, bởi lẽ việc quảng cáo ở đây không mang tính gian dối vì Ebay bán hàng chính hãng (authentic) của Tiffany.
Ngoài ra, còn một số cáo buộc khác của Tiffany, nhưng do những cáo buộc này không có căn cứ, nên đã bị tòa án bác bỏ.
Vụ kiện giữa Louis Vuitton và công ty Akanoc
Nguyên đơn trong vụ kiện này là Louis Vuitton, một nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu đối với các mặt hàng túi xách và các sản phẩm khác. Các bị đơn là công ty Akanoc, MSGI, và Steven Chen (người điều hành hai công ty cung cấp dịch vụ mạng nói trên).
Năm 2006 Louis Vuitton phát hiện hơn 70 website được cho là thuộc về các bị đơn có bán các sản phẩm vi phạm nhãn hiệu của mình. Một số website còn chào mời một cách công khai khi đăng những thông tin như: “chúng tôi cung cấp túi xách nhái hiệu Louis Vuitton, và sẽ không ai có thể biết được rằng đây là hàng giả”. Louis Vuitton đã gởi 18 thông báo đến và yêu cầu các website vi phạm phải tháo dỡ các nội dung vi phạm. Tuy nhiên, những yêu cầu này đã không được các bị đơn thực hiện. Bên cạnh đó, các bị đơn còn có được thu nhập và lợi nhuận thông qua việc bán các sản phẩm vi phạm từ việc cung cấp dịch vụ mạng của mình. Do đó, Louis Vuitton đã kiện các công ty cung cấp dịch vụ mạng ra tòa án quận phía Bắc của California với các cáo buộc vi phạm nhãn hiệu hàng hóa, góp phần vào việc vi phạm nhãn hiệu và quyền tác giả.
Túi sách mang thương hiệu Louis Vuitton (Ảnh minh họa)
Với các chứng cứ được cung cấp, tòa án cho rằng các bị đơn trên thực tế có biết được về các hành vi xâm phạm nhãn hiệu của nguyên đơn trên các website. Bên cạnh đó, các bị đơn thường xuyên phớt lờ các thông báo từ phía nguyên đơn. Do hành vi vi phạm có chủ ý của mình, Luois Vuitton yêu cầu tòa án buộc các bị đơn phải bồi thường 31.5 triệu đô la Mỹ cho hành vi xâm phạm nhãn hiệu của mình. Phán quyết được đưa ra vào ngày 28/8/2009. Thẩm phán tòa án phúc thẩm khu vực 9 đã ra phán quyết bảo vệ quyền lợi của Luois Vuitton, tuy nhiên tòa án cũng cho rằng thiệt hại chưa đến mức mà nguyên đơn yêu cầu. Theo phán quyết của tòa, Akanoc có trách nhiệm kiểm soát trực tiếp cũng như giám sát các trang web, đồng thời hướng người dùng đến những trang web của mình. Do đó, Akanoc phải chịu trách nhiệm đối với việc góp phần xâm phạm nhãn hiệu của nguyên đơn.
Sự việc dưới góc nhìn pháp lý
Như vậy, trong 2 vụ kiện có thể thấy rằng vai trò của tổ chức cung cấp dịch vụ mạng là không thể thiếu đối với các hoạt động mua bán trực tuyến. Do tính chất di động đối với các loại giao dịch này nên trách nhiệm đầu tiên được đặt ra đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng theo nguyên tắc “nắm kẻ có tóc”. Tòa án, tùy vào từng trường hợp mà phân định trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng này là khác nhau.
Ở trường hợp thứ nhất, Ebay đơn thuần là đơn vị trung gian giữa người mua và người bán, họ không cung cấp dịch vụ lưu trữ tên miền như Akanoc. Trên thực tế, Ebay đã chứng minh được mình đã thực hiện tất cả các biện pháp khả dĩ nhằm ngăn chặn việc xâm phạm nhãn hiệu xảy ra có liên quan đến hoạt động của mình. Trong khi đó, ở trường hợp thứ hai, các bị đơn trên thực tế có biết về hành vi xâm phạm của mình đối với Louis Vuitton nhưng vẫn cố tình vi phạm. Đồng thời, bị đơn cũng có lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm vi phạm mà có. Do đó, bị đơn phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình gây ra.
Chính vì pháp luật Hoa Kỳ có thể phân định một cách rõ ràng vai trò của các tổ chức cung cấp dịch vụ mạng trong mỗi một vụ kiện mà việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến buôn bán trực tuyến hàng hóa xâm phạm nhãn hiệu được thực hiện một cách dễ dàng. Ngược lại, ở Việt Nam trách nhiệm của các tổ chức dịch vụ mạng gần như còn bỏ ngỏ. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các hành vi vi phạm nhãn hiệu hàng hóa sinh sôi nảy nở. Công cuộc đấu tranh bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.
Lưu ý: Bài viết dựa trên thông tin thực tiễn và quan điểm khoa học, thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ, cá nhân tổ chức nào.
Hà Trung
Link nội dung: https://cafeboss.vn/rui-ro-vi-pham-nhan-hieu-tren-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-nhin-tu-nhung-vu-tranh-chap-17586.html