Kiến nghị sửa những điểm yếu “ cốt tử” của luật là nguyên nhân, điều kiện của tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp

Thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực này với số lượng người bị hại, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, liên quan đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bài viết sau đây của ThS. Lê Văn Sáng ( Khoa Cảnh sát kinh tế - Học viện CSND) chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong các văn bản pháp luật là nguyên nhân, điều kiện của tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh do...

image001-1633063476-1645768237.jpg Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung Điều 217a quy định tội vi phạm các qui định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Quy định pháp luật về kinh doanh đa cấp

Kinh doanh đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới. Đây là một phương thức kinh doanh hiện đại, một hình thức phân phối sản phẩm mới với nhiều ưu điểm thay cho các hình thức phân phối sản phẩm truyền thống thông qua các đại lý, cửa hàng bán lẻ, v.v.. Khi hàng hóa được bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua mạng lưới bán hàng thì nhà sản xuất không những tiết kiệm được chi phí từ việc quảng cáo, khuyến mãi, tiền kho bãi, vận chuyển hàng hóa mà còn được người tiêu dùng chia sẻ chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình đến nhiều người khác trong cộng đồng, v.v.. 

Năm 2005, hoạt động kinh doanh đa cấp tại Việt Nam chính thức được thừa nhận và được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh và các Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp gồm: Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005; Nghị định số 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2014; Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018.  Ngày 26/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó tại Điều 73 quy định hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đã bổ sung Điều 217a quy định tội vi phạm các qui định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Việc ban hành các văn bản pháp luật nói trên góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh đa cấp, cũng như tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xử lý các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh đa cấp.

Những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy các quy định pháp luật về xử lý hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp vẫn còn có một số hạn chế, bất cập đó là:

- Thời gian qua, có tình trạng nhiều công ty tổ chức hệ thống huy động người tham gia góp vốn với các hình thức như: góp vốn trực tiếp, bán cổ phần nội bộ, nhượng quyền kinh doanh, góp vốn hợp tác đầu tư vào dự án, v.v. tương tự như hệ thống của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó người tham gia trước (góp vốn trước) được hưởng lợi ích từ số tiền của người tham gia sau góp vào công ty. Với những hoạt động này, các công ty trên không thuộc diện được cấp giấy chứng nhận bán hàng theo phương thức đa cấp và quản lý theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP. Thực chất, hoạt động của những công ty trên tương tự thủ đoạn hoạt động đa cấp biến tướng, nhưng khi hệ thống chưa đổ vỡ thì chưa có đủ cơ sở xác định và xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi hệ thống của các công ty này đổ vỡ, người tham gia mới tố cáo thì những đối tượng chính đã bỏ trốn, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra. 

image002-1633063476.jpg

Do sự thiếu đồng bộ, bất cập của các quy định pháp luật đã dẫn đến phát sinh lừa đảo, kinh doanh đa cấp biến tướng trên thị trường bất động sản 

Trong khi đó, việc áp dụng Điều 217a Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý thì có vướng mắc. Cụ thể, các hoạt động huy động vốn nằm ngoài phạm vi “từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ” theo khái niệm “kinh doanh” tại khoản 16 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp 2014, dẫn đến các hoạt động này mặc dù có tính chất đa cấp nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể kết luận là hoạt động kinh doanh đa cấp.

- Theo Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về “trường hợp pháp luật có quy định khác” nên gây khó khăn cho việc xác định và áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Ví dụ như việc doanh nghiệp tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm, dịch vụ du lịch, dịch vụ giáo dục, kinh doanh theo mô hình đa cấp đối với các đối tượng không phải là hàng hóa như: tiền ảo, ví điện tử, huy động tài chính, v.v..

- Nghị định số 40/2018/NĐ-CP có nhiều điều, khoản chưa hợp lý từ đó có tác động nhất định đến việc xác định phạm vi địa bàn để thu thập thông tin, tài liệu, các hoạt động theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng. Cụ thể, theo quy định tại Điều 20, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chỉ cần thông báo hoạt động đến Sở Công Thương và thông tin người đại diện tại địa phương mà không cần thiết có địa điểm hoạt động. Trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương nơi doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp thì doanh nghiệp phải cử một người đại diện tại địa phương đó và người này sẽ được đăng ký với Sở Công Thương để làm đầu mối làm việc của doanh nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế thì doanh nghiệp thường cử người đại diện mang tính chất đối phó để có được xác nhận đăng ký hoạt động tại địa phương từ Sở Công Thương. Khi các Sở Công Thương liên hệ làm việc, người đại diện tại địa phương của doanh nghiệp thường không nắm được thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, chỉ tiếp nhận thông tin và chuyển về cho công ty xử lý. Quy định này gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thu thập tài liệu, nắm tình hình vì những người đại diện này chỉ là người làm trung gian, không có bất cứ tài liệu nào về hoạt động của doanh nghiệp và có nhiều trường hợp người đại diện không phải là người hoạt động trong hệ thống kinh doanh đa cấp của doanh nghiệp. 

- Tại Điều 73 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tuy nhiên, Nghị định này không có quy định nào về xử phạt đối với những hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm, bao gồm những hành vi như huy động vốn, cho vay, mua bán ngoại tệ, “tiền ảo”, v.v. theo phương thức đa cấp. 

- Tương tự, trong quy định của Điều 217a Bộ luật Hình sự cũng chưa đề cập đến việc xử phạt đối với các hành vi nói trên. Đặc biệt, tại Điều 217a không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại. Qua thực tiễn cho thấy các pháp nhân thương mại tham gia với số lượng lớn, phạm vi, mức độ tham gia sâu vào hoạt động kinh doanh đa cấp, do đó việc thiếu chế tài xử lý hình sự đối với đối tượng này sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh, triệt để của pháp luật. 

Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm vi phạm các quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (Điều 217a), từ đó cũng gây ra khó khăn nhất định trong thống nhất nhận thức việc xử lý về tội danh này và phân định với các tội danh khác như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174); sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290).

image003-1633063476.jpg

Các bị cáo trong nhóm phát kiển mạng lưới đa cấp của Liên Kết Việt.

Một số kiến nghị, đề xuất 

Để góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, tác giả có một số kiến nghị, đề xuất sau đây:

Một là, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể là:

- Cần nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP theo hướng xác định rõ các hoạt động huy động vốn, kinh doanh ngoại tệ, “tiền ảo”, cho vay, v.v. theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và bị pháp luật cấm. Nghiên cứu nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương có đề xuất phương án sửa đổi định nghĩa kinh doanh theo phương thức đa cấp như sau: “Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới”. So sánh với nội dung quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, dự thảo đã bỏ từ “kinh doanh” trong cụm từ “là hoạt động kinh doanh”. Với việc sửa đổi như trên, khi Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, các cơ quan chức năng không cần viện dẫn điều khoản định nghĩa khái niệm “kinh doanh” trong Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu quy định tại khoản 21 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 cho thấy khái niệm “kinh doanh” đã có sự sửa đổi so với Luật Doanh nghiệp năm 2014, cụ thể: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”. Tác giả cho rằng theo định nghĩa mới, hoạt động kinh doanh đã bao gồm cả hoạt động đầu tư và các hoạt động huy động vốn, nhận ủy thác đầu tư, v.v. đều thuộc nội hàm của khái niệm “kinh doanh”. Do vậy, các hoạt động này khi được thực hiện theo phương thức đa cấp đã mặc nhiên chịu sự điều chỉnh của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và bị cấm theo quy định pháp luật. Các cơ quan chức năng có đủ cơ sở để xử lý những hành vi này theo quy định pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do đó, việc sửa đổi quy phạm định nghĩa “kinh doanh theo phương thức đa cấp” tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP là không còn cần thiết nữa. Tuy nhiên, để thống nhất nhận thức về vấn đề này, tác giả cho rằng cần thiết ban hành hướng dẫn cụ thể về hoạt động đầu tư, trong đó ghi nhận các hoạt động như: huy động vốn, nhận ủy thác đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính, tiền tệ, “tiền ảo”, v.v. thuộc hoạt động đầu tư. 

- Cần ban hành hướng dẫn cụ thể những “trường hợp pháp luật có quy định khác” về đối tượng của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP, từ đó giúp lực lượng CSKT chủ động trong quá trình xác minh, xử lý các vụ việc phát sinh trong thực tiễn như: doanh nghiệp tổ chức hệ thống cung cấp dịch vụ môi giới bảo hiểm, dịch vụ du lịch, dịch vụ giáo dục, kinh doanh theo mô hình đa cấp đối với các đối tượng không phải là hàng hóa như: tiền ảo, ví điện tử, huy động tài chính, v.v. để tránh việc các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. 

- Quy định rõ các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phát triển bán hàng đến địa phương nào thì phải thành lập chi nhánh, văn phòng hoặc địa điểm hoạt động tại địa phương đó; chỉ được gửi thông báo hoạt động kinh doanh đa cấp đến địa phương mà doanh nghiệp đã có hoạt động kinh doanh đa cấp, tránh tình trạng doanh nghiệp gửi thông báo nhưng thực tế lại không hoạt động trên địa bàn. Bổ sung quy định địa điểm hoạt động theo đăng ký phải là địa điểm hoạt động chính của doanh nghiệp tại địa phương chứ không phải là chỗ ở của người đại diện để tạo thuận lợi các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra hàng hóa kinh doanh của doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung quy định người đại diện tại địa phương trong hoạt động kinh doanh đa cấp phải là người đang là thành viên, cộng tác viên hoặc là người đứng đầu hệ thống để các cơ quan chức năng thuận lợi trong công tác theo dõi, quản lý. 

Hai là, đề xuất bổ sung vào điều 73 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP mục về “phạt tiền đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm”, bao gồm các hành vi huy động vốn, nhận ủy thác đầu tư, kinh doanh dịch vụ tài chính, tiền tệ, “tiền ảo” theo phương thức đa cấp. 

Ba là, đối với Điều 217a của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), đề xuất sửa quy định tại khoản 1 thành: “Người nào tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm theo quy định pháp luật, hoặc tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây…”. 

Cùng với đó, tác giả đề xuất bổ sung vào Điều 217a mục 4 quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại có hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp bị cấm theo quy định pháp luật, hoặc tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời các cơ quan tư pháp cần có văn bản đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn thực hiện quy định tại Điều 217a BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất, trong đó cần hướng dẫn cụ thể việc áp dụng Điều 217a, Điều 174, Điều 290 trong các trường hợp tương ứng./.

 

Link nội dung: https://cafeboss.vn/kien-nghi-sua-nhung-diem-yeu-cot-tu-cua-luat-la-nguyen-nhan-dieu-kien-cua-toi-pham-vi-pham-phap-luat-trong-linh-vuc-kinh-doanh-da-cap-17505.html