>> Thấy gì từ những vụ kiện nổi tiếng về xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên thế giới?
>> Thế chấp quyền sở hữu công nghiệp nhìn từ vụ việc Agribank và Lifepro Việt Nam
Về mặt thực tiễn, quyền sở hữu trí tuệ liên quan trực tiếp đến việc sản xuất và phân phối các sản phẩm mới và hàng hóa, dịch vụ tới người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi phải trải qua một quá trình đăng ký và công nhận để hợp pháp hóa quyền sở hữu đó.
Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều thách thực và hạn chế khác nhau tác động tiêu cực đến việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng đối với nhiều nước trên thế giới. Cụ thể có thể kế đến như là thủ tục còn thiếu sót, tồn đọng trong việc đăng ký quyền, mức độ xử pháp chưa mang tính răn đe, thiếu chuyên môn hay thiếu minh bạch trong quy trình đăng ký và xử lý vi phạm…
Theo một nghiên cứu của Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Châu Âu (EUIPO) về “Xu hướng buôn bán hàng giả và hàng nhái (2019)” thì trong năm 2016, hành vi làm hàng giả và vi phạm bản quyền đã chiếm tới 3,3% thương mại thế giới hay 6,8% hàng nhập khẩu của EU từ các nước thứ ba. Những con số này tăng một cách đáng kể, đặc biệt là khi so sánh với số liệu của EUIPO vào năm 2013 về tác động kinh tế của việc buôn bán hàng giả và hàng nhái.
Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ hàng giả và hàng nhái trong thương mại thế giới tăng lên tới 10,4% và tỷ lệ hàng giả trong hàng nhập khẩu của EU lên tới 42,3% trong giai đoạn 2013-2016. Các hành vi vi phạm này không chỉ gây nên những hậu quả tiêu cực nghiêm trọng đối với nhiều lĩnh vực mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu và việc làm của người dân trên toàn thế giới.
Những vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp nổi tiếng trên thế giới
Vụ kiện giữa Amazon và Barnes & Noble
Vào năm 1999, Amazon đã kiện Barnes & Noble về việc vi phạm bằng sáng chế 1-click (một cú nhấp chuột) của mình. Theo đó, Amazon đã được cấp bằng sáng chế cho 1-click vào ngày 28 tháng 9 năm 1999. Công nghệ này cho phép khách hàng có thể mua hàng trực tuyến chỉ bằng một cú nhấp chuột mà không cần phải nhập thông tin thanh toán và giao hàng theo cách thủ công.
Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi bằng sáng chế của Amazon được cấp, Barnes &Noble cũng cho ra đời một tùy chọn thanh toán có phương thức tương tự gọi là “Express Lane”, cũng cho phép người dùng mua hàng bằng một cú nhập chuột. Vụ kiện đã được giải quyết vào năm 2002, tuy nhiên các điều khoản và thỏa thuận của các bên không được tiết lộ công khai.
Vụ kiện giữa Samsung và Apple
Vụ kiện giữa hai ông lớn ngành công nghệ bắt đầu vào năm 2011, Apple đã đâm đơn kiện và cho rằng Samsung đã sao chép các thiết kế về giao diện, thiết kế và tính năng trên dòng sản phẩm iPhone và iPad của mình. Đến năm 2012, tòa án đã tuyên bố Samsung đã phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan tới việc vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, hai bên lại phát sinh sự bất đồng về số tiền bồi thường dẫn đến vụ kiện phải kéo dài suốt bảy năm.
(Ảnh: cellphones.com.vn)
Cho đến tận năm 2018, “cuộc chiến” giữa Samsung và Apple mới chính thức đến hồi kết. Các thẩm phán đã đưa ra phán quyết rằng Samsung đã vi phạm các sáng chế của Apple. Và khép lại vụ kiện, phán quyết cuối cùng, Samsung phải bồi thường cho Apple 539 triệu USD cho hành vi vi phạm của mình.
Vụ kiện giữa Nike và Adidas
Vào năm 2012, Nike đã nộp đơn kiện cáo buộc Adidas đã sao chép công nghệ sản xuất giày của mình. Cụ thể, Nike đã chỉ ra rằng công nghệ sản xuất giày Primeknit của Adidas vi phạm sáng chế công nghệ sản xuất giày Flyknit của mình.
(Ảnh: kyplus.vn)
Tuy nhiên, Nike đã thua kiện trong cuộc chiến này vì tòa án cho rằng công nghệ sản xuất giày dệt kim đã được sử dụng từ những năm 1940 nên sáng chế Flyknit của Nike được xem là không hợp lệ ở Đức và kết quả là Adidas không vi phạm bằng sáng chế của Nike.
Pháp luật điều chỉnh hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của Việt Nam so với thế giới
Hệ thống pháp luật về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên thế giới hiện nay chia làm hai nhánh:
Một bên theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first to file), ưu tiên cho người nộp đơn đăng ký bảo hộ sớm nhất. Phần lớn các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam đều theo nguyên tắc này. Trong khi đó, các nước còn lại bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo nguyên tắc sử dụng trước (first to use - Quyền sở hữu công nghiệp sẽ thuộc về chủ thể đầu tiên sử dụng). Một số quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Singapore,... tuân theo nguyên tắc này.Nhìn chung, pháp luật về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế theo yêu cầu của các hiệp định thương mại liên quan tới sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS).
Trước khi gia nhập WTO, Việt Nam đã ban hành nhiều luật và quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng, đồng thời cũng sửa đổi, bổ sung luật sở hữu trí tuệ cho đáp ứng được các tiêu chuẩn và yêu cầu của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên, các cơ chế thực thi vẫn cần được tăng cường để xử lý được triệt để các hành vi xâm phạm như tăng mức phạt để răn đe hiệu quả hơn và cần nâng cao nhận thực về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đến mỗi người dân.
Ngoài ra, so với thế giới, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam có một điểm tương đồng là, khi cáo buộc một hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ra trước tòa, nguyên đơn cần phải đưa ra bằng chứng được công chứng bởi cơ quan có thẩm quyền thì mới được tòa án chấp nhận (ví dụ bằng chứng về việc bán, sản xuất, nhập khẩu hoặc chào bán các mặt hàng vi phạm).
Bên cạnh đó, khi xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sẽ giải quyết ở tòa án dân sự có thẩm quyền. Trong hầu hết các vụ án và tình huống tranh chấp thì để đưa ra một tuyên bố một hành vi có vi phạm sở hữu công nghiệp hay không phải dựa trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia.
Và về trình tự giải quyết thì khi có một cá nhân hay pháp nhân cho rằng mình bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì phải tự nộp đơn khiếu nại đến tòa án có thẩm quyền. Trong đơn cần nêu rõ bản chất của hành vi vi phạm bị cáo buộc và đưa ra biện pháp khắc phục. Hầu hết thì biện pháp mà các nguyên đơn thường đưa ra đó là yêu cầu bị đơn phải chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường mọi thiệt hại phát sinh. Bị đơn khi nhận được đơn khiếu nại sẽ phải đưa ra văn bản kháng cáo nếu như có ý định bào chữa. Nếu không, tòa án có quyền đưa ra phán quyết thi hành mà nguyên đơn yêu cầu.
Khuyến cáo cho doanh nghiệp
Hiện nay chính phủ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu công nghiệp nói riêng. Và tình hình phát triển của xã hội vẫn đang đi trước một bước so với quy định của pháp luật. Do đó, cách tốt nhất để phòng ngừa và hạn chế hành vi xâm phạm sở hữu công nghiệp xảy ra đối với mình, các doanh nghiệp nên chuẩn bị tốt về mặt pháp lý mỗi khi đàm phán và ký kết hợp đồng.
Cụ thể, khi ký kết hợp đồng lao động với nhân viên có đầy đủ các điều khoản rõ ràng liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ. Khi đàm phán và trao đổi với đối tác về các dự án của mình cũng cần phải ràng các quy định về quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền sở hữu riêng và duy nhất của doanh nghiệp, để tránh tình trạng ăn cắp ý tưởng thông qua những buổi giới thiệu, trình bày ý tưởng với khách hàng.
Bên cạnh đó, khi xảy ra tranh chấp, khuyến nghị các doanh nghiệp nên tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Nếu doanh nghiệp tự làm thì có thể vừa tốn kém chi phí hơn nhiều mà hiệu quả đạt được lại không cao so với sử dụng những chủ thể chuyên nghiệp như luật sư hoặc tổ chức chuyên làm dịch vụ sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, để tránh rủi ro, doanh nghiệp phải cần phải “chăm sóc” tài sản trí tuệ của mình ngay cả trước và sau khi đăng ký bảo hộ, phải chủ động theo dõi pháp luật về sở hữu trí tuệ tại thị trường đó như thế nào?
Ví dụ: Ở những quốc gia theo nguyên tắc “first to use”, quyền sở hữu công nghiệp được xác lập cho chủ thể đầu tiên sử dụng, vì vậy trước khi đưa sản phẩm vào thị trường, doanh nghiệp phải có bước khảo sát thị trường một cách nghiêm túc để tránh những tranh chấp không đáng có trong tương lai.
Hiện nay, chúng ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động tham gia và đàm phán các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ đang ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Vì vậy, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề sống còn của mỗi doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trong xu thế hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới.
Lưu ý: Bài viết dựa trên quan điểm khoa học và thực tiễn, không nhằm quảng bá cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Trang Nhung
Link nội dung: https://cafeboss.vn/xam-pham-quyen-so-huu-cong-nghiep-van-de-chung-cua-moi-quoc-gia-17315.html