TÀI CHÍNH

Giúp việc thành nghề 'hot' ở Trung Quốc

Những năm gần đây ở Trung Quốc, xuất hiện chủ đề nóng về những người có trình độ học vấn cao tham gia vào các ngành dịch vụ như giúp việc, bảo mẫu. Nhiều sinh viên mới ra trường đã đi làm giúp việc thay vì xin vào các công ty làm đúng ngành được đào tạo.

Tiểu Khang 23 tuổi, sinh viên chuyên ngành truyền thông, bắt đầu làm giúp việc ( Trung Quốc gọi là “gia chính”) ở Vũ Hán sau khi tốt nghiệp. Tiểu Khang cho biết cô đã làm giúp việc theo giờ được gần một tháng, trung bình kiếm được khoảng 400 NDT (1,4 triệu VND) một ngày và cô đã tiết kiệm được 10.000 NDT (35,5 triệu VND). Tiểu Khang không có ý định làm nghề này, nhưng sau khi tốt nghiệp kiếm việc quá khó, cô thấy trên Internet chuyện những người khác làm giúp việc nhà, công việc này mang lại sự tự do và mức lương khá cao nên quyết định thử sức.

Một nữ sinh viên làm bảo mẫu.

Là người mới đi làm, Tiểu Khang thấy mình có những lợi thế nhất định trong nghề này: trẻ, chăm chỉ, nhanh nhẹn, giao tiếp tốt và dễ tiếp thu ý tưởng mới. Ngoài ra, nghề này, cô có thể đảm đương được về mặt thể chất.

Theo thống kê, ở Trung Quốc hiện có hơn 30 triệu người làm dịch vụ giúp việc, có hơn 1 triệu doanh nghiệp trong ngành và quy mô vượt quá 1,1 nghìn tỷ NDT. Nhu cầu thực tế lên tới 50 triệu người và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Với tình trạng già hóa dân số ngày càng sâu sắc và việc thực hiện chính sách ba con, nhu cầu chăm sóc “một già một trẻ” trong các hộ gia đình tiếp tục tăng cao, tương lai nghề này rất rộng mở.

Cô thường quảng cáo bản thân trên các nền tảng xã hội để nhận đơn đặt hàng và cũng chia sẻ công việc dọn phòng hàng ngày của mình. Thật bất ngờ, cô đã thu hút được nhiều người hâm mộ. Bây giờ, lịch trình của cô luôn kín. Cô nhận hai đơn một ngày, một đơn nếu là căn hộ lớn hoặc biệt thự. Khi có những việc lớn như dọn đất, dọn dẹp công ty, cô sẽ tìm người làm cùng. Nhờ những đánh giá tích cực, cô đã tích lũy được nhiều khách hàng quen và họ cũng giới thiệu cho cô nhiều khách hàng mới.

Có rất nhiều người trên mạng dị nghị về gen Z làm giúp việc, nhưng Tiểu Khang không quan tâm. Cô cho rằng không có sự phân biệt giữa nghề cao quý và nghề thấp. Nếu có thể tự nuôi sống và hoàn thiện bản thân thì không có gì phải xấu hổ khi làm việc này. Cô cũng muốn chứng minh rằng thế hệ gen Z không phải là nhóm người không chịu đựng được khó khăn. Tiểu Khang dự định tiết kiệm 50.000 NDT trước khi xem xét bước tiếp theo. Hiện tại, cô tập trung vào công việc và duy trì danh tiếng tốt. Cô nhắn nhủ, những người trẻ nên có can đảm để nỗ lực và đừng bị trói buộc bởi lối nghĩ truyền thống.

Những năm gần đây, xuất hiện chủ đề nóng về những người có trình độ học vấn cao tham gia vào các ngành dịch vụ như giúp việc, bảo mẫu. Vào năm 2021, một công ty quản lý đã công bố thông tin trên một nền tảng về việc sinh viên tốt nghiệp Thanh Hoa xin việc làm bảo mẫu và quản gia, gây ra một cuộc thảo luận giữa cư dân mạng về “Sinh viên tốt nghiệp Thanh Hoa làm bảo mẫu là quá lãng phí”.

Khi thế hệ gen Z dần bước vào xã hội, họ bắt đầu tạo được dấu ấn trong nhiều ngành nghề, trong đó nghề giúp việc rất được chú ý. Vào tháng 5 năm nay, chủ đề “Lứa gen Z đầu tiên đã bắt đầu làm giúp việc” trở thành chủ đề tìm kiếm nóng. Theo các báo, thời gian gần đây ngày càng có nhiều bạn trẻ đổ xô vào “vòng tròn giúp việc”.

Tìm kiếm trên Xiaohongshu, sẽ thấy trên màn hình toàn những người gen Z đang làm công việc này. Nội dung bài đăng của họ thường rất giống nhau: tiêu đề thường nhấn mạnh độ tuổi gen Z và có bằng đại học hoặc thạc sĩ, sau đó dùng dòng chữ “thu nhập hôm nay” để thu hút người đọc nhấp vào xem bài đăng. Tùy thuộc vào địa điểm, nội dung công việc và thời gian, thu nhập hàng ngày của họ dao động từ hai, ba trăm đến hơn một nghìn Nhân dân tệ.

Đại đa số thanh niên nam nữ gen Z đều tham gia đội ngũ làm giúp việc, nhưng nghề này bao gồm rất nhiều lĩnh vực, ngoài dọn dẹp còn có những người nhận làm các dịch vụ như giao nhận hàng, chuyển nhà, bảo mẫu. Một số thậm chí chia nhỏ công việc, chẳng hạn như tạo ra nghề mới “đồng hành cùng sự phát triển của trẻ em” từ công việc bảo mẫu.

Khác với nghề “gia chính” truyền thống, giới trẻ chú trọng hơn vào tính “chuyên nghiệp”: họ cung cấp cho cư dân những dịch vụ được thiết kế riêng và tinh tế. Bằng sự nỗ lực và tính chuyên nghiệp của bản thân, họ đã nâng cao được chất lượng, hình ảnh của dịch vụ giúp việc, khiến nhiều người cảm thấy sự mới mẻ của nghề này.

Ngoài dọn dẹp và nội trợ, giới trẻ còn ưa chuộng các nghề dịch vụ giúp việc gia đình mới nổi như “đồng hành cùng sự phát triển của trẻ em”. Bà Tăng, người sáng lập một công ty dịch vụ gia chính, nói với phóng viên rằng so với bảo mẫu, những người làm công việc “đồng hành…” mới nổi có yêu cầu cao hơn về trình độ học vấn. “Hầu hết đều yêu cầu sinh viên đại học trở lên và cũng có yêu cầu về trình độ tiếng Anh, đồng thời có những kỹ năng cụ thể cũng là một điểm cộng cho việc tìm kiếm việc làm, chẳng hạn như biết nhạc, hát, nhảy, viết thư pháp…”

Bà Tăng cho biết: “Nhiều bậc cha mẹ không giỏi giáo dục con cái hoặc không có nhiều thời gian dành cho con nên cần một người đồng hành cùng con phát triển, quản lý mọi công việc của con cái như việc học tập, sinh hoạt, vấn đề tâm lý. “Những sinh viên hiểu và tôn trọng trẻ hơn trong giáo dục, có nhiều năng lượng hơn để dẫn dắt tư duy cho trẻ. Vì vậy, thị trường ưu ái gen Z hơn”, bà Tăng nói.