BOSS

"Giải mã" sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc

3 quý đầu năm 2024, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc là 1.880 tỷ NDT, tăng 11,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của ngoại thương Trung Quốc là 6,2%.

1 tỉnh của Trung Quốc có GDP gấp 5 lần Việt Nam

Chiều 26/11, trong khuôn khổ Hội nghị "Kinh nghiệm triển khai và hỗ trợ từ các nền tảng trong nước, quốc tế đối với thương mại điện tử xuyên biên giới", bà Anna Nguyễn – Phó Chủ tịch Liên minh Thương mại điện tử xuyên biên giới ACBC Global cho biết, Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng nhất đối với hàng hóa Việt Nam.

Theo đó, thị trường Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân hiện đang là nền kinh tế đứng thứ 2 trên thế giới và đang trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới rất phát triển.

"Trong những năm gần đây, thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền tảng như Tmall, JD, Pinduoduo... Các nền tảng này dễ dàng cho phép người tiêu dùng Trung Quốc mua sắm các sản phẩm từ mỹ phẩm, thực phẩm, thời trang đến công nghệ", Phó Chủ tịch Liên minh Thương mại điện tử xuyên biên giới ACBC Global thông tin.

Đồng thời, người dân Trung Quốc có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm ở quốc gia Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Đông Nam Á.

Bà Anna Nguyễn – Phó Chủ tịch Liên minh Thương mại điện tử xuyên biên giới ACBC Global(Ảnh: Thanh Loan)

Mô hình bán hàng đang phát triển tại Trung Quốc là B2C, doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng đang càng phổ biến với các công ty quốc tế trực tiếp bán được sản phẩm. Qua các nền tảng trực tuyến, các doanh nghiệp không cần thông qua các nhà phân phối, họ có thể trực tiếp gửi hàng đến tận tay khách hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Liên minh Thương mại điện tử xuyên biên giới ACBC Global đề cập đến hình thức mua hàng qua kho ngoại quan. Theo đó, hàng hóa khi được nhập khẩu vào kho ngoại quan thì vẫn chưa được tính là vào lãnh thổ của quốc gia đó. Như vậy, hàng hóa được nhập khẩu vào Trung Quốc theo hình thức này vẫn được hưởng những chính sách ưu đãi từ Nhà nước Trung Quốc.

Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc cũng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt là hàng nhập khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền tảng mua sắm quốc tế như Aliexpress, Amazon, Nobel; Các hình thức livestream shopping rất phổ biến và lưu lượng thông qua mua bán livestream rất lớn.

"Lượng mua sắm cũng như thể chế, chính sách thông qua nhập khẩu xuyên biên giới Trung Quốc đã rất hoàn thiện. Nhìn sơ bộ qua, 1 tỉnh của Trung Quốc có dân số khoảng 100 triệu dân như Hà Nam nhưng GDP gấp 5 lần Việt Nam", bà Anna Nguyễn nhấn mạnh.

Mô hình giám sát xuất nhập khẩu

Tại Hội nghị, ông Wu Quanxin – Đại diện Hệ sinh thái Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Trung Quốc cho biết khối lượng giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ 2 chữ số hàng năm.

Ước tính sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy trong 3 quý đầu năm 2024, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc là 1.880 tỷ NDT, tăng 11,5%, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của ngoại thương Trung Quốc trong cùng kỳ là 6,2%. Trong đó, xuất khẩu là 1.480 tỷ NDT, tăng 15,2%; Nhập khẩu đạt 399,16 tỷ NDT, giảm 0,4%.

Thương mại điện tử xuyên biên giới: Giao dịch giá trị nhỏ nhưng thất thu thuế lớn"Đòn bẩy" giúp tăng sự hiện diện của nông sản Việt trên bàn ăn thế giới

Giải thích về mô hình giám sát xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Wu Quanxin thông tin từ năm 2014, Tổng cục Hải quan đã liên tiếp bổ sung 4 phương thức giám sát đặc biệt đối với thủ tục hải quan thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bao gồm: "Mua sắm trực tuyến nhập khẩu ngoại quan". (Mã phương thức giám sát hải quan 1210), "nhập khẩu trực tiếp" (mã phương thức giám sát hải quan 9610) và "nhập khẩu ngoại quan mua sắm trực tuyến A" (phương thức giám sát hải quan 1239) bên cạnh các mô hình giám sát xuất khẩu là xuất khẩu trực tiếp qua thư (9610), xuất khẩu thương mại điện tử ngoại quan (1210), xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới B2B (9710), xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới kho ở nước ngoài (9810).

Với mô hình mua sắm trực tuyến nhập khẩu ngoại quan (1210), thương nhân thương mại điện tử vận chuyển toàn bộ lô hàng vào khu vực thương mại điện tử đặc biệt trong khu vực giám sát hải quan đặc biệt, khai báo với hải quan và cơ quan hải quan lập sổ tài khoản quản lý thương mại điện tử.

Ông Wu Quanxin – Đại diện Hệ sinh thái Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Trung Quốc(Ảnh: Thanh Loan).

Sau khi cá nhân trong nước mua hàng trực tuyến trong khu vực, công ty thương mại điện tử ủy thác cho cơ quan khai báo hải quan khai báo danh sách điện tử với cơ quan hải quan. Máy tính hải quan sẽ tự động đối chiếu đơn hàng, chứng từ thanh toán, vận đơn điện tử, danh sách điện tử phù hợp. Đồng thời, hải quan sẽ tự động thu thuế toàn diện, sổ sách kế toán sẽ tự động được xóa sau khi kiểm tra và giải phóng, đồng thời được đưa vào thống kê hải quan.

Đại diện Hệ sinh thái Thương mại điện tử xuyên biên giới tại Trung Quốc cũng bày tỏ nền kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bùng nổ và chiếm 11,6% GDP của Việt Nam, trong đó thương mại điện tử trở thành trụ cột phát triển. 

Năm 2023, quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ 48%, GMV sẽ đạt 13,8 tỷ USD, tăng 52,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trở thành khu vực thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

"Tương lai phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam rất tươi sáng. Nếu Việt Nam có thể xây dựng nền tảng quản lý thích ứng, tăng cường cơ sở hạ tầng cho phát triển thương mại điện tử, tăng cường bồi dưỡng nhân tài trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới và đẩy nhanh hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới với Trung Quốc, Việt Nam sẽ có sự phát triển vượt bậc", ông Wu Quanxin nhấn mạnh.