NHÀ ĐẤT

"Giá bất động sản phi mã, cán bộ công chức phải vài trăm năm mới mua được nhà"

ĐBQH cũng chỉ ra thực tế không ít khu đô thị nhà thương mại xây xong đắp chiếu, còn nhà ở xã hội có nhu cầu thực, công nhân, cán bộ công chức bốc thăm 5 lần 7 lượt không mua được.

Tại sao không tập trung cho nhà ở xã hội?

Tại trong phiên thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất vào sáng 21/11, ĐBQH Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đặt vấn đề: "Giá bất động sản phi mã, người lao động, cán bộ công chức vài trăm năm mới mua được nhà. Vậy tại sao cơ chế trong Nghị quyết này không được áp dụng với nhà ở xã hội mà chỉ có nhà ở thương mại".

Đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc phạm vi thí điểm, hạn chế tình trạng đầu tư đất đai, thu gom đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phải có các giải pháp chống tình trạng hợp thức hoá mua gom đất đai, như vụ Công ty địa ốc Alibaba.

ĐBQH Nguyễn Công Long (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Đoàn Đồng Nai) chỉ ra thực tế không ít khu đô thị nhà thương mại xây xong đắp chiếu, còn nhà ở xã hội có nhu cầu thực, công nhân, cán bộ công chức bốc thăm 5 lần 7 lượt không mua được. Vậy tại sao không tập trung cho nhà ở xã hội?

Đại biểu Khánh cho biết rất trăn trở về việc tại nhiều địa phương, nhà ở thương mại được xây dựng nhan nhản. Từ Hà Giang đến Cà Mau, nhà ở thương mại rất nhiều, không ít khu đô thị nhà xây xong không có người ở, trong khi đó nhà ở có nhu cầu thực sự là nhà ở xã hội.

Vậy tại sao không tập trung cho nhà ở xã hội, dành cho người thu nhập thấp, không đủ tiền để mua nhà ở thương mại?

"Công nhân, cán bộ công chức bốc thăm 5 lần 7 lượt để mong muốn mua một ngôi nhà độ 50m2 là rất khó", ông Khánh nêu ví dụ.

ĐBQH Đỗ Huy Khánh (Ảnh: Media Quốc hội).

Trong khi đó, khu vực đất đẹp đã xây nhà ở thương mại hết nhưng không có người ở. Dù mua bán qua lại, đa phần trên giấy tờ để thu lời còn thực chất không ở và thực tế chúng ta đang phải giải quyết tình trạng nhà ở thương mại tại các tỉnh thành "đắp chiếu". Do vậy, đại biểu Đỗ Huy Khánh xem xét tháo gỡ vấn đề này.

Không lấy đất lúa tràn lan, đại trà

Tham gia góp ý kiến, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) bày tỏ ủng hộ với dự thảo nghị quyết với đủ các cơ sở chính trị, pháp lý như tờ trình và báo cáo thẩm tra.

Việc Quốc hội ban hành thêm nghị quyết này sẽ là cơ sở khơi thông nguồn lực, tăng thêm nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội. Ông An đồng tình với việc nêu rõ tiêu chí, dự án nào được áp dụng thí điểm.

Đại biểu đồng tình với việc thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc nhưng không phải mang tính chất đại trà, chung chung, mà thiết kế cụ thể đối với các dự án nào, tiêu chí nào.

Trong đó, với những quy định trong dự thảo nghị quyết sẽ chắc chắn chỉ áp dụng với khu vực đô thị, không có chuyện lấy đất lúa, đất nông nghiệp một cách đại trà, tràn lan để thực hiện nghị quyết. Đây là cách thiết kế khá hợp lý để thực hiện.

ĐBQH Trịnh Xuân An phát biểu ý kiến (Ảnh: Media Quốc hội).

Ông An cho biết, dự thảo nghị quyết được tiếp thu ý kiến thảo luận tại tổ, đã tách điều 1 ra thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

Tuy nhiên, đại biểu đoàn Đồng Nai đề nghị thiết kế một điều riêng về quyền và trách nhiệm của tổ chức kinh doanh bất động sản và một số nguyên tắc cần phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, không được vi phạm các quy định dẫn đến đầu cơ, tăng giá.

Theo đại biểu, khi nghị quyết thông qua cũng cần có những nguyên tắc để có một thị trường bất động sản lành mạnh, phù hợp, đáp ứng yêu cầu, tránh tạo ra sốt đất, vi phạm pháp luật.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết thống nhất theo tờ trình là áp dụng phạm vi trong toàn quốc. Bởi lẽ nếu thí điểm phải thực hiện thí điểm công khai hết.

"Nếu chúng ta áp dụng chỉ trong một số tỉnh, thành phố còn một số tỉnh khác không cho sẽ dễ tạo ra cơ chế xin - cho và thắc mắc tỉnh anh được, tỉnh tôi không được", ông Hòa nói.

Song, nêu thực trạng thời gian qua tình hình bất động sản diễn biến phức tạp, ông chỉ ra trên thực tế có những trường hợp doanh nghiệp đã xây dựng nhưng bị sai phạm mà không hợp thức hóa, rất lãng phí nguồn lực xã hội, đất nước.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ảnh: Media Quốc hội).

"Mặc dù không phải ngân sách của Nhà nước nhưng doanh nghiệp cũng là nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp cũng phải đi vay ngân hàng, doanh nghiệp chết thì kéo theo ngân hàng cũng chết", ông Hòa nói và cho rằng đây là vấn đề quan trọng và cần thiết để ban hành dự thảo Nghị quyết này.

Một cổ phiếu bất động sản tăng trần 4 phiên liên tiếp

Ông Hòa cho rằng, một vấn đề cốt lõi là Nghị quyết áp dụng từ ngày có hiệu lực thi hành hay là quay trở lại những trường hợp trước đây. Các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa đang vướng mắc tình trạng này.

Nhà ở chung cư đã xây dựng, người dân vào ở rồi nhưng giờ làm thủ tục không được, vì vướng về mặt pháp lý. Người dân, doanh nghiệp cần Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ cho họ về vấn đề này.

"Chúng ta không hợp thức hóa sai phạm cho doanh nghiệp mà vấn đề cốt lõi để tránh lãng phí", ông Hòa nói và cho biết thêm hiện nay, nhiều chung cư cao tầng xây dựng rồi mà cỏ mọc um tùm xuống cấp nghiêm trọng.