THƯƠNG TRƯỜNG

"Đốt rơm là đốt tiền, bán rơm là bán máu"

Bên cạnh tiềm năng từ bán tín chỉ carbon, ngành lúa gạo còn có thể tận dụng giá trị từ rơm rạ tạo ra phân bón hữu cơ, trồng nấm, làm thức ăn gia súc.

Sáng 25/10, Hội thảo về liên kết chuỗi giá trị lúa gạo, góp phần thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án), đã được tổ chức.

Sự kiện nhằm đưa ra giải pháp cho những thách thức như diện tích canh tác nhỏ, manh mún, khả năng liên kết gặp nhiều trở ngại; hệ thống thủy lợi, đường giao thông một số nơi chưa hoàn thiện; các mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi chưa phát triển ổn định, thiếu bền vững…

Phế phẩm từ trồng lúa có giá trị lớn

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết, 7 mô hình thí điểm của Đề án đang được triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Tp. Cần Thơ. 

Ông Tùng nhấn mạnh: "Việc trồng lúa phát thải thấp không nhằm mục đích bán tín chỉ carbon. Đề án lấy thịnh vượng của người trồng lúa làm kim chỉ nam, nghĩa là giúp nông dân có cuộc sống tốt hơn".

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT).

Theo lộ trình, đến năm 2028, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chính thức báo cáo Chính phủ về cơ chế thương mại hóa tín chỉ carbon. Đề án nhằm sắp xếp lại sản xuất, nâng cao năng lực HTX, xây dựng đồng ruộng và phát triển hạ tầng.

Ông Tùng cũng nêu một số vấn đề quan trọng trong sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL, bao gồm việc thâm canh để đảm bảo diện tích, năng suất và sản lượng, đồng thời giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị và lợi nhuận cho nông dân.

Các vấn đề này liên quan đến khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu mà không gây tác động tiêu cực đến môi trường. Để làm được điều đó, ĐBSCL cần khai thác hiệu quả tài nguyên đất, nước, ứng dụng khoa học công nghệ và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác một cách bền vững.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Bảo Vệ - nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết rơm rạ và các phụ phẩm từ trồng lúa có giá trị lớn. Ông nhấn mạnh: "Đốt rơm là đốt tiền, bán rơm là bán máu. Người dân cần hiểu rõ lợi ích này, bên cạnh tiềm năng bán tín chỉ carbon trong tương lai".

Ông Nguyễn Bảo Vệ - nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

Theo ông Vệ, để xử lý rơm rạ hiệu quả, cần xác định phương pháp xử lý phù hợp cho hai loại khí cơ bản là CH4 và N2O. CH4 chủ yếu phát thải từ rễ lúa trong quá trình ngập nước, còn N2O xuất phát chủ yếu từ việc bón phân đạm. Việc xử lý rơm rạ cũng cần cẩn trọng, tránh để lúa bị "ngộ độc hữu cơ" do thói quen vùi rơm rạ, điều này có thể khiến lúa thối gốc, rễ chết và làm đất suy thoái.

Ông Vệ cho biết thêm, ngành nông nghiệp đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để hướng dẫn nông dân chế biến rơm rạ thành phân bón hữu cơ, trồng nấm, làm thức ăn gia súc, hoặc xa hơn là nguyên liệu cho các lò đốt công nghiệp. Trong quy mô nông hộ, nông dân có thể băm rơm, trải đều trên ruộng và phun chế phẩm vi sinh. Tuy nhiên, đối với những cánh đồng lớn, cần áp dụng cơ giới hóa để xử lý rơm rạ hiệu quả.

Doanh nghiệp chưa quan tâm đến vùng nguyên liệu

Theo ông Nguyễn Tiến Định - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hợp tác (Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn), hiện ĐBSCL có khoảng 180 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó khoảng 50 doanh nghiệp có liên kết thu mua lúa gạo. Tuy nhiên, chỉ 26% diện tích gieo trồng lúa (tương đương 442.000 ha) là liên kết với doanh nghiệp, và rất ít doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu.

Theo tính toán của Cục Trồng trọt, mỗi ha lúa tham gia cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15%, đồng thời tăng giá trị sản lượng từ 20-25%, giúp nông dân thu lãi thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha so với canh tác thông thường.

Bên cạnh tiềm năng từ bán tín chỉ carbon, ngành lúa gạo còn có thể tận dụng giá trị từ rơm rạ tạo ra phân bón hữu cơ, trồng nấm, làm thức ăn gia súc…

Việc sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn không chỉ giúp giảm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mà còn nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo. Ông Định cho biết: "Khi có sự bao tiêu của doanh nghiệp, nông dân có thể yên tâm sản xuất mà không lo lắng về đầu ra hay giá cả".

Với sự phát triển của các HTX và tổ hợp tác, nhiều cánh đồng quy mô hàng trăm ha đã hình thành, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đánh dấu bước phát triển đáng kể của ngành lúa gạo tại ĐBSCL. Ông Định chia sẻ thêm: "Nhờ sự hỗ trợ từ chính sách Nhà nước và sự chuyển đổi sang nông nghiệp thương mại, người nông dân ĐBSCL đã có thể nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sản xuất".

Tín chỉ Carbon: Chìa khóa cho nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, nhìn nhận: "Liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thậm chí còn xảy ra nhiều vụ thưa kiện trong liên kết giữa doanh nghiệp và HTX". Đồng thời, số lượng doanh nghiệp đầu tư lúa gạo trên địa bàn còn hạn chế, trong khi đó tỉnh có chủ yếu là các doanh nghiệp ngoại tỉnh về đăng ký bao tiêu.

Chính vì vậy tỉnh Hậu Giang đã thành lập Liên hiệp HTX lúa gạo Hậu Giang, đóng vai trò làm đầu mối liên kết. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư vào nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông thuận lợi để đón doanh nghiệp về tỉnh bao tiêu nhiều hơn.